Tranh chấp quyền nuôi con trong án ly hôn

Tranh chấp quyền nuôi con trong án ly hôn

Một trong những vấn đề khó thỏa thuận nhất trong án ly hôn đó là thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nội dung này có thể nói là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp trên 50% số vụ việc liên quan tới ly hôn. Trong nội dung bài trao đổi này chúng ta cùng đi tìm hiểu quy định của pháp luật hiện hành và quan điểm của Tòa án hiện nay khi giải quyết những tranh chấp thực tế về người trực tiếp nuôi con như thế nào.

Quy định của pháp luật

Trước hết chúng ta đi tìm hiểu quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình quy định thế nào về người trực tiếp nuôi con trong khi ly hôn. Cụ thể điều này được quy định trong Điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: 

  Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn   

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này,  Bộ luật dân sự   và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.   

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con".   

 

Như vậy, luật hôn nhân và gia đình cùng các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chỉ quy định khá chung chung về nội dung trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn. Theo đó nguyên tắc đầu tiên trong các tranh chấp dân sự đã được đưa vào áp dụng trong tranh chấp ly hôn đó là nguyên tắc thỏa thuận, pháp luật ưu tiên để vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp sẽ nuôi con rồi mới tới áp dụng các trường hợp nhà nước can thiệp. Theo quy định trong điều 81 trên thì trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, trường hợp con từ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét thêm nguyện vọng của con để quyết định việc giao cho ai là người trực tiếp nuôi con. 

Pháp luật hôn nhân và gia đình lại không có quy định cụ thể nào về khái niệm “quyền lợi về mọi mặt” là thế nào, điều này tạo nên một khái niệm hết sức mơ hồ và không có định lượng nào cho quy định này. Điều này tạo nên quá nhiều khoảng trống của pháp luật trong quy định này và đương nhiên việc đưa ra phán quyết sẽ phụ thuộc lớn vào ý chí chủ quan của người ra phán quyết. 

Thực tế xét xử của Tòa án

Ở đây ta chỉ nói tới trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được việc ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con cái và phải đề nghị Tòa án giải quyết. Khi đó chúng tôi tạm chia ra hai trường hợp tương ứng với quan điểm giải quyết khi quyết định giao con cho ai là người nuôi dưỡng trực tiếp như sau: 

  • Trường hợp thứ nhất số con chẵn: Với trường hợp này nếu tình hình tài chính và các vấn đề khác không quá khác biệt thì thường Tòa án sẽ quyết định giao mỗi con cho một người trực tiếp nuôi dưỡng và có tham khảo ý kiến của con nếu con trên 7 tuổi.

Trừ các trường vợ hoặc chồng có những đặc điểm quá bất lợi như không có thu nhập; thu nhập quá thấp; chỗ ở không ổn định; có tiền án, tiền sự … thì tòa sẽ xem xét có thể giao tất cả con cái cho một người nuôi dưỡng hoặc giao cho một người nuôi dưỡng nhiều con hơn người còn lại tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. 

  • Trường hợp thứ hai là vợ chồng chỉ có một con hoặc số con là lẻ như là 3 hoặc 5…: Trong trường này mà vợ chồng có các đặc điểm hoàn cảnh tương đương nhau thì Tòa sẽ xác định con ở với người nào mà điều kiện sinh sống, học tập, tâm lý tốt hơn khi ở với người kia thì sẽ giao cho người đó nếu có 01 con chung và nếu có số con chung là 3 hoặc 5 hoặc lớn hơn thì sẽ giao cho người đó được nuôi dưỡng nhiều con hơn. Tất nhiên điều này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của Thẩm phán trực tiếp giải quyết vụ án và căn cứ cũng rất mơ hồ do luật cũng không có định lượng cụ thể 

Với trường hợp này thì cũng như trường hợp ở trên nếu một người có nhân thân quá bất lợi thì Tòa án vẫn có quyền giao toàn bộ con cho một người trực tiếp nuôi dưỡng. 

Với các vụ án hôn nhân và gia đình hiện nay thì thực tế xét xử cho thấy Tòa án khi giải quyết các vụ án có tranh chấp quyền nuôi con không có sự thống nhất giữa các địa phương mà phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Do đó, các vụ án này cần phải có sự tham gia của Luật sư để giúp thân chủ hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ nộp lên Tòa để chứng minh cho yêu cầu được trực tiếp nuôi dưỡng con cái một cách thuyết phục. 

Để được hỗ trợ pháp lý kịp thời cho từng vụ việc riêng lẻ người dân có thể liên hệ với chúng tôi để được tư vấn sớm cho công việc của mình.